Guitar Ba Đờn, Thương Hiệu Hàng Đầu | VỀ CHÚNG TÔI

Nợ âm thanh với thế gian


41 tuổi, 31 năm gắn bó với nghề đóng đàn, trải qua những thăng trầm nhưng anh Nguyễn Văn Nguyên vẫn kiên trì bám nghề. Dường như gia đình anh mắc nợ thế gian những âm thanh để thiên hạ trải lòng. Anh Nguyên và các anh chị em của mình không chỉ theo nghề của cha mà còn làm cho thương hiệu đàn guitar Ba Đờn (TPHCM) phát triển, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 6.000 - 7.000 cây đàn.

41 tuổi, 31 năm gắn bó với nghề đóng đàn, trải qua những thăng trầm nhưng anh Nguyễn Văn Nguyên vẫn kiên trì bám nghề. Dường như gia đình anh mắc nợ thế gian những âm thanh để thiên hạ trải lòng. Anh Nguyên và các anh chị em của mình không chỉ theo nghề của cha mà còn làm cho thương hiệu đàn guitar Ba Đờn (TPHCM) phát triển, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 6.000 - 7.000 cây đàn.

“Đến được với nghề là duyên, gắn bó, trăn trở không dứt với nghề thì ấy là nợ. Tuổi thơ tôi lớn lên trong xưởng đàn, từng đói khổ với đàn, nay ấm no cũng nhờ đàn. Đóng đàn không chỉ là nghề mà còn máu thịt của tôi”, anh Nguyên bộc bạch.

“Tiếng đàn ấy là tiếng lòng người thợ”

“Mỗi cây đàn có hình dáng, có âm thanh riêng, chẳng cây nào giống cây nào cả. Như con người mình đó, ai cũng có đủ tay chân, mắt, mũi, miệng… nhưng chẳng ai giống ai. Tiếng đàn trong, trầm đều do tay người thợ làm nên. Người cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chút từng bộ phận của đàn thì sẽ làm ra một cây đàn tốt, người lơ là thì hỏng… Nên nói tiếng đàn là tiếng lòng người thợ cũng chẳng sai”, anh Nguyên ôm đàn, gẩy một vài điệu, chậm rãi nói.

Với anh, làm nghề gì trước hết cũng cần cái tâm và niềm đam mê, vì việc đóng đàn khá phức tạp và đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, từ các khâu lấy cỡ, đo ni, đóng phím đến thiết kế lỗ thoát âm đều phải làm thật kỹ lưỡng, bảo đảm độ chính xác cao. “Mà những kỹ thuật này đều do bản thân người thợ cảm nhận, từ kinh nghiệm bản thân của mình mà làm nên, không có máy móc nào làm giúp cả. Thế nên, người thợ phải có cái tâm là như vậy. Có cái tâm mình mới chịu khó tìm tòi, học hỏi, gắn bó với nghề khi thăng trầm”, anh Nguyên lý giải.

Hỏi anh “làm thế nào để biết đàn tốt, tiếng đàn hay?”. Anh cười: “Tôi nhìn vào là tôi biết cây đàn nào tốt, cây đàn nào có tiếng hay. Thực ra thì đàn nào chẳng có tiếng nhưng quan trọng là đàn tiếng đàn nào hay, giống như mình vậy, ai chẳng có giọng nhưng không phải ai cũng làm ca sĩ được. Còn vì sao tôi biết thì cái đó tùy vào kinh nghiệm của mình thôi”.

Theo anh, chất lượng âm thanh của đàn tùy thuộc nhiều vào chất lượng gỗ làm nên cây đàn. Nhưng không phải một loại gỗ tốt là phù hợp cho tất cả các loại đàn mà “tùy từng loại đàn mà sẽ có loại gỗ phù hợp. Bên cạnh đó, độ tuổi của gỗ cũng ảnh hưởng đến chất lượng của đàn. Tuổi gỗ càng cao, chất lượng đàn càng tốt”, anh Nguyên cho biết. Nguyên liệu gỗ làm đàn gồm nhiều loại như thông, hồng đào, điệp, cẩm lai…Và mỗi loại lại chỉ thích hợp cho một công đoạn tương ứng. “Tùy bộ phận, các loại gỗ khác nhau sẽ được chọn làm nguyên liệu chính, song để làm mặt trước, mặt sau và hông đàn, nhất thiết phải chọn loại gỗ thông và hồng đào. Đối với gỗ hồng đào, tuổi gỗ 60 là tốt nhất. Âm thanh đàn vừa tốt, đàn lại bền”, anh Nguyên tiết lộ.

Để sản xuất một cây đàn hoàn chỉnh phải trải qua 40 công đoạn như đóng hông, vô mặt (trước và sau) đến dán chỉ viền, ráp cần, dán ngựa, dán chỉ trong, ráp trục, đóng phím, chỉnh âm… Trong đó, khâu đóng thùng đàn đóng vai trò quyết định bởi điều này liên quan đến chất lượng âm thanh của đàn. “Thợ đóng thùng phải là người có tay nghề cao, đặc biệt là khả năng cảm âm tốt”, vừa nói anh vừa bảo tôi cho tay vào hai chiếc thùng đàn (loại đàn 10 triệu/cái và đàn 2 triệu/cái) để so sánh. “Các nan đàn trong thùng càng tinh xảo, phức tạp thì thùng đàn càng tốt, đàn càng hay. Bên cạnh đó, tùy mỗi loại đàn mà mặt đàn có chuẩn độ dày nhất định. Người thợ khi mài mặt đàn, càng cố gắng đạt gần độ chuẩn càng tốt. Cần đàn phải thẳng tuyệt đối, chỉ cần chênh một xíu thôi thì đàn sẽ lạc phím, lạc dây. Chọn dây đàn, phủ sơn lên đàn cũng phải chú ý để không ảnh hưởng đến âm thanh của đàn”, anh lý giải.

Mỗi công đoạn làm đàn có độ khó khác nhau, có công đoạn tưởng như đơn giản nhưng nếu không chú ý thì sẽ hỏng ngay, ví dụ như kê ngựa (lược) đàn, chỉ cần lơ đễnh, ngựa đàn chỉ cao hơn chuẩn một chút xíu thôi thì đàn sẽ gảy không được. “Nên nói nghề đàn coi vậy chứ kén người là thế đó”, anh Nguyên cười.

Gìn giữ thương hiệu “Ba Đờn”

Anh Nguyên là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Cha anh Nguyên là ông Nguyễn Văn Trân, nghệ nhân đóng đàn guitar nổi tiếng của đất Sài Gòn những năm 1960. Người gốc Bến Tre, 13 tuổi, ông đã một mình lên Sài Gòn học nghề đóng đàn, sau đó ông về quận 4, TPHCM mở xưởng. Cái tên “Ba Đờn” là do người yêu đàn khi đó đặt cho ông. “Ba” là thứ ba, cách người dân xung quanh gọi thân mật vợ chồng ông, ông lại làm đờn (đàn - theo cách gọi của người miền Nam) nên người ta gọi luôn là “Ba Đờn”. Sau có ai cần đóng đàn, người ta lại truyền nhau đến nhà ông “Ba Đờn”. Thương hiệu “Ba Đờn” ra đời rồi nổi tiếng trong giới chơi đàn từ đó. Giờ đây, ông “Ba Đờn” sức khỏe đã yếu, không thể làm đàn, bảy người con của ông tiếp nối nghề cha.

“Giai đoạn những năm 1984 - 1990 là giai đoạn khó khăn của cơ sở “Ba Đờn”. Cha tui dẹp tiệm vì khi đó, cơm ăn còn chưa no, áo mặc chưa lành thì ai đâu nghĩ đến chuyện chơi đàn, mua đàn. Cha và ba người con trai đầu trong đó có tui phải đi làm thuê cho một tổ hợp đóng đàn của nhà nước. Lương ba cọc ba đồng, không đủ nuôi gia đình nhưng cha tui động viên phải đi làm để khỏi quên nghề. Mà giờ không đi đóng đàn, ông cũng không biết làm gì. Vậy là mấy cha con lại cố gắng bám lấy nghề. Được một thời gian, tổ hợp giải tán. Đời sống người dân cũng khá lên. Cha tôi mở lại cơ sở “Ba Đờn”, tiếp tục đóng đàn”, anh Nguyên nhớ lại.

Anh Nguyên kể, những lúc khó khăn nhất, cha anh đều động viên các con vượt qua để giữ nghề. “Hồi tui mới 10 tuổi, đã theo cha học đóng đàn. Sai chỗ nào, cha uốn nắn chỗ đó, không chỉ đối với các con mà tất cả các thợ học đóng đàn cha rất nghiêm khắc vì chỉ cần sai một li thôi cũng hỏng cây đàn. Chính sự nghiêm khắc đó đã giúp anh chị em tui trưởng thành”. Giờ đây, xưởng đàn “Ba Đờn” do bảy người con của ông điều hành trở thành một trong những xưởng đàn lớn nhất Sài Gòn với hơn 100 thợ đến từ khắp các tỉnh thành cả nước, mỗi thợ thu nhập từ 5 đến hơn 10 triệu/tháng, bao ăn ở. Mỗi tháng, cơ sở “Ba Đờn” cho xuất xưởng từ 6.000 - 7.000 cây đàn vừa là đàn thô, vừa là đàn thành phẩm. “Thị trường bây giờ cũng đa dạng. Nhiều cửa hàng bán đàn nhưng lại không tự sản xuất nên đặt hàng mình. Tùy theo nhu cầu của khách là lấy thành phẩm hay chỉ là đàn thô. Nếu các cửa hàng tự hoàn chỉnh lại tùy vào sở thích của họ thì mình chỉ cung cấp đàn thô”, anh Nguyên nói.

Hiện tại, ở cơ sở “Ba Đờn”, người con đầu của ông Trân phụ trách khâu kỹ thuật, người con gái thứ hai và thứ tư quản lý công thợ, các người con thứ năm, thứ sáu, thứ bảy phụ trách kiểm hàng, riêng anh Nguyên lo khâu thành phẩm, cân chỉnh âm thanh. Cha anh giờ đã yếu, không còn xuống xưởng được nữa nhưng mỗi khi hỏi chuyện, ông đều tỏ vẻ hài lòng vì sau ông ít nhất cũng có người theo nghề đóng đàn, cái nghề ông dày công gìn giữ. “Gia đình tôi sống khá đầy đủ nhờ vào nghề đóng đàn vì nghề này ở Sài Gòn ít có người làm, không ai cạnh tranh. Nghĩ đến việc kinh doanh thì vui nhưng nghĩ đến nghề thì lại buồn. 20 năm nữa chúng tôi sẽ già đi, chẳng còn sức để đóng đàn nữa, chỉ hy vọng có người thay thế, như vậy, gia đình tui nghĩ cũng trả nợ xong với đàn”, anh Nguyên phân trần. Nỗi day dứt của người mắc nợ âm thanh nơi dương thế của anh Nguyên tôi tin nay mai thôi sẽ được cất đi vì những dòng âm thanh đẹp đẽ rất cần cho con người.

GuitarBaDon cung cấp nhiều loại Guitar đa dạng: Classic, Acoustic, Đàn vọng cổ, Guitar Dam, Guitar đặc biệt
5/28/2018 9:40:41 AM


TIN TỨC LIÊN QUAN




Bán đàn guitar

© 2018 Guitar Ba Đờn. Cấm sao chép bản quyền | Thiết kế bởi seotop5.Vn